Featured image of post Cảm nhận về M.D. Geist

Cảm nhận về M.D. Geist

Anh lính nguy hiểm

Nguồn ảnh cover bài đăng: themoviedb.org

Đôi lời

Mới đầu mình pick dịch bộ này chỉ vì quả cover ngầu lòi của nó thôi. Nhưng dần dà càng dịch thì mình lại càng thấy thích nó nên mình mới quyết định viết bài blog này. Do phim khá ngắn nên sẽ khó mà tránh việc spoil nội dung, nhưng sẽ cố để không spoil quá nhiều.

Sơ lược về M.D. Geist

Được lên ý tưởng và đạo diễn bởi Koichi Oohata một một người chuyên thiết kết anime mecha, hoạ sĩ anime và đạo diễn. Ông cũng là đạo diễn của anime Bakurestu Tenshi (bộ này mình đã có dịch). Bộ anime lấy bối cảnh tương lai giả tưởng nơi nhân loại đã chinh phục được vũ trụ. chúng ta theo chân Geist một anh lính thuộc một lực lượng có tên MDS - Most Dangerous Soldier. Họ là những binh lính siêu phàm được tạo ra để giúp quân đội chính quyền đánh bại quân nổi dạy tại hành tinh Jerra, những kẻ chống lại luật thuộc địa hoá các hành tinh của Liên đoàn Địa cầu. Dù các MDS rất mạnh nhưng lại giết chóc không phân biệt phe địch hay phe mình, nên chính quyền đã quyết định tống anh vào một nhà giam trên vệ tinh và để nó trôi nổi quanh quỹ đạo của hành tinh Jerra. Để rồi đến một ngày vệ tinh rơi xuống lại hành tinh Jerra, rồi Geist chính thức được tự do. Đây cũng là lúc hành trình giết chóc của anh bắt đầu một lần nữa.

Cảm nhận về nội dung

Phần 1

Phần 1 của anime gồm hai bản là:

  • Bản gốc (1986).
  • Bản Director’s Cut (1996). Vì nội dung không khác quá nhiều nên mình sẽ nói về mấy điểm chung giữa hai bản này trước rồi mới đi chi tiết điểm khác biệt giữa chúng sau.

Điểm chung giữa hai bản của phần 1

Phim bị chê khá nhiều trên myanimelist với anidb. Mình thấy việc đó cũng đúng thôi, vì cách dàn trải nội dung của phim lẫn chuyển cảnh của cốt truyện khá rời rạc tạo cảm giác bối rối và không liền mạch cho người xem. Đã thế còn ném vào mặt người xem quả kết phim gây hụt hẫn nữa chứ. Không biết sao chứ cách làm phim của Koichi Ohata thì thường có cái kiểu kết mở gây cụt hứng như vầy. Điểm cộng thì các cảnh hành động cũng như animation (máu me, vật thể máy móc) đều được làm khá tốt thậm chí có phần đỉnh hơn các bộ anime những năm 2000 trở về sau. Ngoài ra phần âm nhạc cũng là một điểm đáng khen, đặc biệt là opening và ending đậm chất rock của Nhật, và lời bài hát thì phù hợp với nội dung anime và nhân vật Geist. Nếu để nghe riêng mà không coi phim thì âm nhạc cũng vẫn rất hay. Dù nói thì có vẻ như bộ anime này tệ thật nhưng kì lạ là nó lại được hưởng ứng khá nhiệt tình ở Mỹ. Chắc ở Mỹ người thích phim kiểu hành động chém giết hơn Nhật. Và nhờ vậy nên chúng ta mới có phần 2 Death Force sau này.

Điểm khác giữa hai bản

Ở bản gốc 1986, thì lời thoại có phần bậy và thô hơn nhưng chưa có sự thống nhất ở vài lời thoại. Với âm thanh có vài chỗ cảm giác như bị mất tiếng (chắc không phải do xước đia đâu mà bản thu âm gốc đã như vậy rồi). Còn bản Director’s Cut 1996 thì lời thoại còn phần bậy được bớt lại đôi chút, và lời thoại cũng được trau chuốt hơn. Những chỗ mất âm thanh thì cũng được sữa lại. Ngoài ra bản này còn được thêm vài cảnh để giúp cho bộ phim dễ xem hơn so với bản gốc khá rời rạc về mặt nội dung. Nhưng những cải thiện này vẫn chưa đủ để vớt vát thiện cảm của người xem. Để khắc phục thì tốt hơn là họ nên làm lại phần một luôn thì hơn với tăng thời lượng của phim lên. Nhưng chắc do thiếu kinh phí nên bản Director’s Cut cũng không được đánh giá cao dù mang tiếng là bản làm lại để mở đường cho phần 2 Death Force. Và chắc do phần lớn kinh phí đã được dồn vào để làm phần 2 Death Force rồi.

Phần 2 Death Force

Nếu phần 1 tệ đến mức muốn khen cũng khó (nếu không tính mấy cảnh hành động ra), thì ở phần 2 là một sự tiến bộ vượt bật so với phần 1 về cốt truyện lẫn cách chuyển cảnh. Tạ ơn trời, nếu họ vẫn giữ cái cách kể chuyện của phần 1 thì phần 2 này flop là cái chắc. Cơ mà điểm số của nó vẫn chưa tới mức 7-8 theo đánh giá của trên myanimelist với anidb. Chắc do họ khắc khe với nó quá chăng. Cá nhân thì mình thấy phần 2 này có chiều sâu hơn, nó không còn chỉ là về một gã điên thích giết chóc nữa mà nó phê phán chiến tranh cũng như sự vô nghĩa của chúng. Và bộ phim cho chúng ta thấy số phận bi kịch của người dân, những kẻ ngơ ngác đặt trọn niềm tin của mình vào những kẻ cai trị thối nát, thông qua vị anh hùng Krauser - một MDS như Geist. Cũng là một kẻ có số phận bi kịch không kém, khi vừa có bản chất bạo lực của một MDS, nhưng lại có ham muốn của một con người. Cả đời hắn sống chỉ vì muốn được yêu thương, công nhận bởi người khác nhưng bản chất của hắn lại là thứ ngăn cản hắn có được điều đó. Một thứ công cụ chiến tranh chỉ bị lợi dụng và vứt bỏ khi những kẻ cai trị không cần đến nữa, như Geist. Việc sử dụng một nhân vật vừa tương phản vừa tương đồng với Geist khiến bộ phim trở nên hay hơn khi ta có thể hiểu hơn về sự bi kịch của Geist thông qua Krauser. Ngoài ra cái kết của phần 2 cũng thật sự trọn vẹn khi nó đã giải quyết tất cả mọi mâu thuẩn của các nhân vật trong phim. Chứ không như Bakurestu Tenshi dù cũng được đạo diễn bởi Koichi Oohata, nhưng lại bị cái kết cụt lủn rồi chẳng có thêm phần 2.

Cảm nhận về nhân vật

Geist

Geist
Geist được xây dựng khá đơn giản và nhà sản xuất chẳng thèm thay đổi điều đó xuyên suốt hết 2 phần phim. Một gã thích đánh nhau và giết chóc, chỉ luôn tìm cách để đánh nhau và không quan tâm tới ai cả. Ờ nhưng đâu phải cứ gặp ai thì hắn cũng giết hết đâu mà nhỉ? Chắc là do nếu bạn chẳng đáng để khiến Geist chiến đấu thì hắn cũng chẳng thèm giết bạn làm gì. Cơ mà tóm gọn lại thì Geist không phải là một anh hùng, cái này thì chắc chắn. Nhưng cũng chính vì thế mà cuộc đời của Geist cũng bi kịch chẳng khác gì Krauser ở phần 2, một kẻ không tình yêu, hay bất kỳ thứ gì khác ngoài ham muốn chiến đấu. Có khác chăng là Geist không cảm thấy đau khổ hay gì về bi kịch của bản thân cả.

Các nhân vật khác

Vaiya (Chị đại)

Vaiya
Mình thấy kì lạ là suốt hai phần phim ở bản Nhật thì tên của nhân vật này không được nhắc đến. Đây là nhân vật xuất hiện ở cả hai phần phim. Một cô gái làm giang hồ để có thể sống lây lất qua ngày, nhưng xui rủi lại gặp Geist. Không có gì để nói nhiều về nhân vật này ngoại trừ cái số phận hay gặp bọn đàn ông xấu xa cả. Ngoài ra cô ấy cũng phản ánh phần nào sự bất lực của người dân khi đứng trong hoàn cảnh đứng giữa cuộc chiến của chính quyền và quân nổi dạy, lẫn các MDS.

Krauser (phần 2)

Krauser
Do đã nói ở phần Phần 2 Death Force, nên ở đây mình chỉ nhắc lại thôi. Krauser là một MDS nhưng lại có ham muốn của người bình thường chứ không như Geist. Hắn muốn được sự yêu thương của người khác và sự công nhận của mọi người. Nhưng bên trong hắn cũng chỉ ích kỷ và bạo lực chẳng khác gì Geist, kẻ mà hắn vô cùng khinh thường. Nếu Geist là một hổ, giết để thoả mãn cơn đói thì Krauser là một con Gorila giết, đánh đập để thị uy và áp đặt quyền lực thống trị của hắn. Sự bi kịch của hắn đến từ chính việc tham vọng của hắn bị bản chất bạo lực của mình phủ nhận. Mặc dù luôn một mực khẳng định mình không hề giống như Geist ở bản chất đó.

Ưu & nhược điểm của bộ phim

Mình sẽ đánh giá chung cả hai phần phim 1 và 2 Death Force ở đây.

Ưu điểm

  • Animation đánh nhau tàn bạo có tính giải trí cao đối với những ai thích thể loại này.
  • Có thông điệp ý nghĩa về chiến tranh vô nghĩa.
  • Nhạc hay phù hợp với phim, đặc biệt là bài Ending phần 2 Death Force. Một dấu chấm hết cho hành trình của Geist.

Nhược điểm

  • Cách triển khai nội dung kể chuyện chưa tốt đặc biệt là ở phần 1. Riêng phần 2 thì đỡ hơn rất nhiều, nhưng nếu chỉ coi qua 1 lần thì chắc bạn cũng sẽ khó thấy phần phim này hay.
  • Thời lượng thấp, tầm 40-60 phút. Nếu được đâu tư về nội dung và kéo dài thành một movie như hoạt hình Disney thì phim có thể sẽ hay hơn.

Kết luận

Nếu bạn là một người thích thể loại anime bạo lực ruột gan phèo phổi bay tứ tung của những năm 80, 90 thì bạn nên coi thử bộ anime này. Nhưng nếu bạn là một người xem khó tính với hi vọng một phim với cốt truyện liền mạch được kể tốt thì chắc đây không phải là phim dành cho bạn. Và nhược điểm đó chỉ được cải thiện (ở mức khá) ở phần 2, mà nếu đâm đầu coi phần 2 không thì trải nghiệm sẽ không được trọn vẹn. Nên tóm lại nếu có coi thì coi hết cả hai phần vì đằng nào thời lượng nó cũng không dài bằng movie 1 tiếng rưỡi của Disney đâu. Ngoài ra dù phần 2 có thông điệp ý nghĩa về chiến tranh cũng như chiều sâu về nhân vật nhưng chúng rất dễ bị người xem bỏ qua do tiết tấu của phim thiên về hành động khá nhiều và thời lượng cũng không dài. Điểm số thì phần 1 1986 (5/10), phần 1 1996 (5.2/10), phần 2 Death Force nếu để riêng nó không thì là (6/10) nhưng với trải nghiệm coi gộp từ phần 1 sang phần 2 thì (6.9/10).

link

Cảm ơn đã đọc bài blog của mình. Chúc mọi người xem phim vui vẻ! ٩(^◡^)۶

Được cấp giấy phép theo CC BY-NC-SA 4.0
Được cập nhật lần cuối vào 08-05-2023 14:52 pm GMT+7
lượt xem (ngày/tổng cộng) của bài viết
Xây dựng bằng Hugo
Theme Stack được thiết kế bởi Jimmy